Truy cập nội dung luôn

Thái Nguyên: Bàn giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch Covid-19

2021-09-15 18:05:00.0

Đại diện Viettel Thái Nguyên báo cáo việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

Theo đó, bốn nội dung đã được các đơn vị đề cập đến gồm: “Hệ thống nền tảng quản lý cách ly y tế”, “Hệ thống quản lý F0”, “Hệ thống cấp giấy đi đường” và “Triển khai tích hợp IOC”. Trong đó, “Hệ thống nền tảng quản lý cách ly y tế” được xây dựng với mục đích: Quản lý toàn bộ các trường hợp cách ly; đảm bảo giám sát thực hiện cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế; giám sát, theo dõi, cập nhật tình trạng sức khỏe hàng ngày, cảnh báo nhanh nhất khi có dấu hiệu bất thường; thống kê báo cáo kịp thời, chủ động trong phòng chống khi có dịch bệnh; hệ thống đáp ứng trên cả nền tảng mobile và web đảm bảo đa phương tiện, đa đối tượng.

“Hệ thống quản lý F0” bao gồm quy trình quản lý F0 tại nhà; các bước thực hiện khai báo bệnh nhân F0 lên hệ thống; từ thông tin khai báo tình trạng sức khỏe hàng ngày, hệ thống tự động đưa ra cảnh báo mức độ nguy cơ cho bệnh nhân; thực hiện phân công bác sỹ cho bệnh nhân để tư vấn và điều trị; thực hiện gọi video call tư vấn điều trị và theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân F0; chuyển trạng thái hồ sơ bệnh nhân.

“Hệ thống cấp giấy đi đường” có mục đích đảm bảo tính chính xác trong công tác quản lý và xác minh giấy đi đường. Hạn chế tình trạng giấy đi đường không hợp lệ hoặc cấp không đúng đối tượng. Nâng cao hiệu quả kiểm soát phòng chống dịch và đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các địa phương khi áp dụng các cấp độ phòng, chống theo quy định về phòng, chống dịch như: Chỉ thị số 15/CT-TTg,16/CT-TTg, 19/CT-TTg; các văn bản chỉ đạo khác của tỉnh.

Đối với việc “Triển khai tích hợp IOC”, tỉnh Thái Nguyên sẽ yêu cầu người dân cài đặt ứng dụng C-ThaiNguyen, Bluezone trên điện thoại thông minh; cài đặt ứng dụng VHD, Bluezone đối với trường hợp cách ly; cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử đối với người bệnh (F0). Đặc biệt, cán bộ y tế, cán bộ quản lý các cấp phải cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc trang bị máy tính kết nối internet, máy in để phục vụ công việc. Việc “Triển khai tích hợp IOC” sẽ giúp theo dõi, thống kê, đánh giá việc triển khai quản lý cách ly và cấp giấy đi đường điện tử trên toàn tỉnh tới từng đơn vị.

Cũng tại Hội nghị, Sở Y tế Thái Nguyên đã trình bày kế hoạch đảm bảo nhu cầu trang thiết bị, ô xy y tế trong phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn nhằm đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng các nguồn lực để thực hiện cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 theo từng cấp độ dịch và phân tầng điều trị. Kế hoạch phải đảm bảo sát với tình hình thực tế và khả năng đáp ứng của tỉnh, có các phương án phù hợp, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để kịp thời hỗ trợ, điều trị, chăm sóc bệnh Covid-19, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Việc tổ chức thực hiện kế hoạch phải đảm bảo tuân thủ công tác điều phối, nguyên tắc điều trị bệnh nhân Covid-19 theo từng cấp độ dịch và phân tầng điều trị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục nâng cao tinh thần trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu 178 xã, phường phải có kế hoạch xây dựng trạm y tế lưu động, có thể đáp ứng nhiệm vụ quản lý người bệnh F0. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng lên phương án triển khai việc cấp giấy đi đường, trong đó tập trung tại một số chốt quan trọng trên địa bàn: Thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình… Trước mắt, có thể thực hiện thí điểm việc quét mã QR tại cổng trụ sở Đoàn ĐBQH - HĐND- UBND tỉnh. Đồng chí yêu cầu việc xây dựng ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19 cần phải hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Thanh Thủy
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2187139